16 tựa game PC bom tấn có màn ra mắt tệ nhất trong lịch sử (P2)

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 13/06/2017 04:55 PM

Sau đây, chúng ta sẽ cùng đến với 8 cái tên còn lại trong danh sách 16 tựa game PC có màn ra mắt tệ nhất trong lịch sử.

Thực tế mà nói, rất nhiều thứ sai lầm có thể xảy ra trong ngày ra mắt của một tựa game, bất kể nhà phát triển/phát hành đã có chuẩn bị kỹ lưỡng đến đâu. Các nhà phát triển MMO có thể đánh giá sai lượng người sẽ kết nối và gặp cảnh máy chủ quá tải, quá trình tải về và cập nhật game có thể bị lỗi và đứt đoạn. Ngày nay, các tựa game có thể được phát hành trước khi chúng thực sự hoàn thiện, bộ phận phục vụ khách hàng có thể bị áp đảo hoàn toàn bởi lượng người chơi cần giúp đỡ, và đôi khi các nhà phát triển còn dám phát hành cả những game bị lỗi hỏng trầm trọng hoặc thiếu công năng nào đó.

Bất cứ người chơi nào cũng đều phấn khích được chạm tay vào một tựa game mới cứng, nhưng chính sự phấn khích đó đôi khi dẫn đến thất vọng và thậm chí nổi giận lôi đình bởi tựa game mới kia có vấn đề đến độ chơi không nổi. Sau đây, chúng ta sẽ cùng nhìn lại những tựa game PC có màn ra mắt tệ nhất trong lịch sử.

World of Warcraft

Trong năm 2004, với 500 nhân viên và 40 máy chủ, Blizzard đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho một ngày đầu ra mắt “World of Warcraft” mượt mà. Tuy nhiên có một vấn đề là họ đã đánh giá hoàn toàn sai lầm về mức độ đông đảo và hung hãn của người chơi, dẫn đến chuyện máy chủ bị quá tải và có hàng nghìn người phải chờ xếp hàng đến cả tiếng đồng hồ để kết nối. Sau đó, Blizzard đã tăng gấp đôi số lượng máy chủ nhưng vẫn không tải nổi, và thậm chí họ còn phải ngừng đưa hàng đến một số cửa hàng bán lẻ vì sợ người chơi mới ào ạt mua.

Assassin’s Creed: Unity

Ngay sau khi ra mắt, người chơi đã báo cáo cả tá vấn đề nghiêm trọng về “Assassin’s Creed: Unity” như NPC bị mất khuôn mặt, FPS bất ổn định, nhân vật bị rơi xuyên qua mặt đất, tính năng Co-op bị hỏng. Màn ra mắt game của Ubisoft thảm họa đến mức họ phải bỏ qua luôn gói “Season Pass” và gửi tặng một game miễn phí trên Uplay dành cho bất cứ ai đã mua DLC của “Unity”.

Half-Life 2

Trước khi Steam trở thành một “chợ game” nhộn nhịp như ngày nay, nó chỉ đơn giản là một phương tiện để Valve gửi các bản cập nhật game tới người chơi của họ. Tuy nhiên mọi chuyện trở nên phức tạp khi họ quyết định biến nó trở thành một dịch vụ bắt buộc để phát hành một trong những game PC được mong đợi nhất trong lịch sử: “Half-Life 2”. Các máy chủ đã không thể chịu nổi số lượng người chơi đông đảo muốn kết nối để chơi game, và điều đó đặc biệt gây ức chế cho những ai bỏ tiền mua phiên bản bán lẻ truyền thống, chưa kể một vài lỗi nghiêm trọng khiến quá trình chơi game cũng không hề mượt mà như ý muốn.

Diablo III

“Error 37” là cơn ác mộng không thể quên đối với bất cứ ai cố gắng chơi “Diablo III” trong ngày đầu ra mắt năm 2012. Sau khi phải chờ đợi hơn một thập kỷ, các fan hâm mộ “Diablo” đã không thể chơi game một cách thuận lợi khi phiên bản mới nhất được phát hành. Cho tới ngày nay, không ít người chơi vẫn thắc mắc rằng tại sao một trò chơi tập trung chế độ single-player lại yêu cầu kết nối internet liên tục để rồi máy chủ bị quá tải một cách quá đáng. Sau nhiều lần sửa đổi và hoàn toàn loại bỏ hệ thống bán đấu giá, trò chơi vẫn duy trì chế độ chơi phải kết nối online.

APB

Một MMO theo phong cách “Grand Theft Auto” ư? Nghe có vẻ là ý tưởng thực sự tuyệt vời, nhưng vào tháng 6 năm 2010, hàng nghìn người chơi đã tiếp cận “APB” để rồi nhận lấy sự thất vọng. Cơ chế lái xe và bắn súng của game tỏ ra lỗi thời, nội dung game cũng chẳng hề có các cuộc chiến băng đảng hỗn loạn, và thiết kế thành phố cũng hết sức nghèo nàn. Sau khi bỏ 100 triệu USD vào quá trình phát triển, RealTime Worlds đã nhanh chóng phá sản chỉ sau vài tháng phát hành “APB”.

Final Fantasy XIV

Với một thương hiệu lâu đời như “Final Fantasy”, không ai nghĩ rằng phiên bản chính thức thứ 14 của nó lại gặp nhiều vấn đề trong ngày đầu phát hành đến thế. Sau một giai đoạn thử nghiệm ngắn ngày, những lo ngại rằng “Final Fantasy XIV” chưa thực sẵn sàng để phát hành đã bị gạt sang một bên và người chơi là đối tượng phải gánh chịu bao nỗi uất ức như giao diện game xấu, FPS tồi tệ, lag thường xuyên. Dù có đưa ra nhiều bản vá lỗi, nhưng chúng không đủ để sửa chữa một tựa game “chưa hoàn thiện” và Square Enix đã đưa ra quyết định tạm đóng cửa game để phát triển lại.

Battlefield 4

Các vấn đề ngày đầu phát hành của “Battlefield 4” là rất nhiều và đa dạng, từ lỗi mất kết nối, đóng băng và sập ngẫu nhiên, cho tới chuyện đạn bắn một nơi nhưng trúng một nẻo cũng có. Sau nhiều tuần và nhiều bản vá lỗi được phát hành, người chơi vẫn phát hiện ra nhiều lỗi mới rất quái đản và khó chịu. Cuối cùng, hãng DICE đã phải sử dụng tới những máy chủ mới, mạnh mẽ hơn để giải quyết cả vấn đề ổn định kết nối cho những trận đấu 64 người.

Total War: Rome 2

Trong khi có nhiều người đặc biệt yêu thích phiên bản “Total War: Rome 2” của Creative Assembly, một số khác lại rất căm hờn trò chơi này bởi tình trạng lỗi của nó lúc mới phát hành. Những lời phàn nàn bao gồm AI ngu ngốc, hay bị sập giữa chừng, tối ưu hóa đồ họa kém, và chạy chậm trên cả những PC có phần cứng siêu khủng. Một số người chơi và nhà phê bình còn báo cáo rằng họ thậm chí không thể mở game chơi một tí nào.

Theo PCGamer